Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Những bức tường thành cổ gần 300 năm ở chùa Tam Bảo (Hà Tiên)



Các bức tường được xây bằng hồ tam hạp gồm: vôi, đá nhỏ và nhựa cây Ô Dước. Cũ kỹ nhưng chắc chắn, bền vững gần 300 năm nay tại chùa Tam Bảo (Hà Tiên).

Chùa tọa lạc tại số 328, tổ 2, ấp Ao Sen, đường Phương Thành, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Chùa Tam Bảo còn có tên gọi là chùa Tiêu, là một trong 10 cảnh đẹp từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài vịnh "Tiêu Tự Thần Chung" khá nổi tiếng. Chùa được triều đình nhà Nguyễn ban biển sắc phong nên còn được gọi là Sắc Tứ Tam Bảo Tự.

Sau khi Mạc Cửu đến Hà Tiên một thời gian sau, thân mẫu của ông là Thái Thái phu nhân cũng được đưa đến đây. Để có nơi chốn cho mẹ tu hành trong những năm cuối đời, Mạc Cửu đã cho xây dựng chùa Tam Bảo sau khi Thái Thái phu nhân quy y với hoà thượng Ấn Hạ thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35. Tu hành được một thời gian, Thái Thái phu nhân tọa hoá trước Phật Đài. Mạc Cửu cho đúc kim thân của mẹ để thờ, đúc một Đại hồng chung để cúng và nghe tiếng chuông mà tưởng niệm mẹ hiền. Năm 1735, Mạc Cửu qua đời, con ông là Mạc Thiên Tứ (hay Mạc Thiên Tích) thay cha làm Đô đốc Tổng binh. Nổi tiếng là một người có tài làm thơ. Chính ông đã ca ngợi cảnh đẹp của chùa Tam Bảo Hà Tiên qua bài thơ Tiêu tự thần chung trong Hà Tiên thập vịnh.

Chùa Tam Bảo là một trong những thắng cảnh của xứ Hà Tiên, từng được ca ngợi qua bài vịnh Tiêu tự thần chung của Mạc Thiên Tích. Ngôi chùa ngày nay tuy không còn giữ được lối kiến trúc ban đầu, nhưng vẫn mang dáng vẻ thanh u, tĩnh mịch của chốn tu hành. Chung quanh chùa còn rải rác nhiều bức vách xây hồ tam hạp, cũ kỹ nhưng chắc chắn. Ở điện Phật có pho tượng đức A Di Đà bằng đồng cao 2,30 m (tượng cao 1,40 m) do Mạc Cửu cúng. Ở sân trước, có tôn trí bảo tượng Quan Thế Âm lộ thiên.




Bài viết liên quan: