Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Bạch Mai - "Vị thần" của các loài mai được Tổng trấn Mạc Cửu trồng tạo phước khí cho đất Hà Tiên



Bạch mai rất khó chăm sóc. Người xưa quan niệm rằng: Bạch mai có khí chất thần tiên, tự sinh tự diệt, công gieo trồng, chăm bẵm của con người mang ý niệm thể hiện lòng thành dâng lên “thần mai”. Bởi vậy, vùng đất nào “thần mai” phát triển, đất sẽ lành, dân sẽ an, phước khí đong đầy.

Bạch Mai ở Hà Tiên và công cuộc mở cõi của Tổng trấn Mạc Cửu

Ai cũng biết, vào khoảng đầu thế kỷ 18, Mạc Cửu - một thương gia trẻ người Hoa đã có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên hữu tình. Trong chuyến vượt biển tìm vùng đất lành, Mạc Cửu đã mang theo giống bạch mai quý giá của quê nhà (còn gọi là mai Tứ Xuyên). Ông đau đáu chọn cho mình một quê hương mới, một ngôi nhà mới để gieo trồng những hạt giống của loài cây ấm tình người trong thanh tịnh, thuần khiết. Mạc Cửu nhận ra mảnh đất Hà Tiên sau một giấc mộng báo điềm lành, nơi có những nàng tiên tuyệt mỹ giáng trần vào đêm rằm trăng sáng chiếu rọi trên cửa biển mênh mang.

Tổng trấn Mạc Cửu đã chọn đất ở bên phải một ngôi miếu hoang thờ ông cọp vằn trên ngọn đồi cao (nay thuộc đồi Xã Tắc, núi Bình San) để trồng giống bạch mai quý hiếm. Trong lúc đào đất gieo hạt, ông luôn miệng khấn vái rầm rì “xin hàm ơn người và đất phương Nam đã rộng lòng dung chứa”. Lấp những vạc đất cuối cùng, ông ngẩng đầu nhìn đất trời, âm thầm khấn nguyện “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”-(Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Hà Tiên không phụ lòng người có tâm, đất che chở người hiền và nuôi lớn bạch mai. Bạch mai rất khó chăm sóc. Người xưa quan niệm rằng: Bạch mai có khí chất thần tiên, tự sinh tự diệt, công gieo trồng, chăm bẵm của con người mang ý niệm thể hiện lòng thành dâng lên “thần mai”. Bởi vậy, vùng đất nào “thần mai” phát triển, đất sẽ lành, dân sẽ an, phước khí đong đầy. Mấy thuở Hà Tiên êm ấm, người dân chí tình, cảnh vật như tranh, bậc bô lão cũng ước chừng nhờ ơn mai thần ban phước lành.
Video clip
Theo anh Lê Văn Rỡ, hướng dẫn viên du lịch tại lăng Mạc Cửu thì cây mai do Mạc Cửu trồng đầu tiên đã bị đốn cưa ván vào thời Pháp thuộc. Theo cụ Trương Minh Đạt, một nhà nghiên cứu về vùng đất Hà Tiên, cây bạch mai đầu tiên được trồng trên đồi Xã Tắc, còn những cây mai còn sót lại đến ngày hôm nay là con cháu đời thứ ba. Trước đây nhà thơ Đông Hồ cũng có trồng một cây trước nhà thuộc đời thứ hai (đã chết) và thường hái hoa để ướp trà tại “Yểm Yểm Thư Trang” ở Sài Gòn. Cũng giống như mai ở chùa Giác Viên và chùa Cây Mai, hàng năm cứ đến rằm tháng chạp là bắt đầu trổ hoa. Trái mai mù u to bằng quả nho, khi chín màu vàng cam và ăn có vị chua ngọt. Ngày nay, dọc theo đường lên lăng Tổng trấn Mạc Cửu, những hàng bạch mai hơn 20 năm tuổi được trồng thành hàng thanh thoát.

"Thần mai" ở đình Phú Tự (Bến Tre)

Bạch mai ở đình Phú Tự đã ngoài 300 tuổi và được coi là "linh khí" của đình, trải qua hết những thăng trầm từ thuở khai hoang của đất phương Nam. Ban trị sự đình Phú Tự cho biết: “Không biết tự bao giờ, “thần mai” về canh giữ vùng đất phương Nam trù phú nhưng cũng lắm bể dâu này. Nhiều người cho rằng nơi đây hội tụ tinh hoa đất trời, nên đất lành bạch mai sinh trưởng trường thọ. Trải qua bao biến cố của lịch sử, cây mai vẫn đứng vững, cành lá phát triển xanh tốt. Thấy mai ra hoa đẹp và tỏa hương thơm nên nhiều người tìm cách nhân giống như: chiết, ghép cây đem đi nơi khác trồng nhưng vẫn không sống. Theo người dân địa phương, vào năm Mậu thân 1968, xung quanh đình Phú Tự bị dội trúng 3 trái bom xăng, nhưng cây Bạch mai chỉ bị cháy sém lá và sau đó phát triển tươi tốt hơn. Năm 2014, Nhà nước đã công nhận cây Bạch mai ở đình Phú Tự là “Cây Di sản quốc gia”. Hiện nay tại đình Phú Tự vẫn còn lưu lại 4 câu thơ về cổ thụ Bạch mai:
“Khí thiêng hun đúc bạch mai thần,
Phú tự đình xưa rợp bóng sân.
Xuân trổ ngàn hoa đơm trắng phiếu,
Đông đâm muôn lộc phủ trong ngần”.

Cư dân đồng bằng sông Cửu Long tự hào và trìu mến gọi bạch mai là “thần mai” bởi những ý nghĩa lớn lao và giá trị vô hình mà cây lặng thầm mang đến. Đã hơn 300 năm,“thần mai” ngụ ở sân đình chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, phát triển của văn hóa, tâm linh của con cháu Lạc Hồng. Tạo hóa biến động không ngừng, thiên tai đại họa triền miên, chiến tranh oanh tạc, cây vẫn hiên ngang trụ giữa trời Nam, làm chứng cho nỗ lực vượt bậc của cổ nhân từ thuở khai hoang mở cõi.

Theo các bô lão kể, ngày xưa Bạch Mai trổ bông đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, nhưng do người dân trong vùng kéo nhau đến bẻ cành, hái lộc về chưng ba ngày Tết. Tổ đình thấy vậy xin Thần Hoàng cho Bạch Mai trổ bông vào sau Tết. Linh ứng thay, ngay năm sau đó Bạch Mai trổ bông đúng ngày Tết Nguyên tiêu. Kể từ đó, Bạch Mai được người dân trong vùng gọi là “mai thần”. Mỗi năm, dân làng chờ đến dịp “mai thần” trổ bông đến chiêm ngưỡng chứ chẳng ai nghĩ tới việc bẻ cành, hái lộc. Chờ đến khi bông rụng, nhặt về pha trà uống được cho là khỏe khoắn! Những năm sau đó, khi “mai thần” trổ bông, Ban khánh tiết của đình trải lưới dưới gốc hứng bông, phơi khô cho vào từng túi nhỏ, đến lễ Kỳ yên dân làng đến thỉnh lộc mai đem về, cẩn thận gói hương hoa trong miếng vải trắng sạch sẽ, bỏ vào túi áo, mang theo bên người trong những chuyến đi xa. Với người dân bản địa, có hoa mai trắng bên cạnh như có “thần mai” ban phước khí mọi vận hanh thông suôn sẻ, cũng để hoài hương trong những lúc xa nhà. Người phương xa xem như món quà ý nghĩa của vùng đất đồng bằng châu thổ trù phú.Tục này đến nay vẫn còn.

Bạch Mai ở Tp.Hồ Chí Minh

Bạch mai ở gò Cây Mai trên 300 tuổi, nơi có chùa Cây Mai (Phú Lâm, TP.HCM). Dưới thời Tự Đức, chùa Cây Mai được đổi tên là Mai Khôn tự (có sách ghi Mai Sơn tự) nhưng bà con vẫn quen gọi là chùa Cây Mai. Năm xưa chùa gò nằm trên gò bảy cây mai, gọi là Thất mai khâu. Các nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ hay đặt tên cho các chùm thơ của họ là “Bạch Mai thi xã” và biến nơi đây thành một tụ điểm ngâm vịnh, đọc thơ. Trịnh Hoài Đức đã xếp gò Cây Mai là một trong 30 danh thắng của đất Gia Định xưa. Cây bạch mai hiện đã già, ruột bị rỗng nhưng từ trong thân cây vẫn mọc lên nhiều nhánh mới sum suê, tết nào hoa cũng đua nhau nở.
Bạch Mai còn có một số tên gọi khác như Nam Mai, Mai Mù U. Riêng ở Hà Tiên còn được gọi là mai tứ xuyên. Loài mai này khi nở bông không có tuyết (phấn hoa), chỉ có lá hộ hương. Hoa có 4 cánh dày, từng chùm màu trắng tinh, nhụy vàng, mùi thơm dễ chịu. Khi trổ hoa cây tự rụng lá. Hình dáng hoa gần giống như hoa cây mù u ở Nam Bộ. Trong những ngày hoa nở rộ, tán cây bao phủ một màu trắng tinh, mang vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên. Đêm về hoa nở, gió thoảng đưa hương ngào ngạt, lan tỏa cả vùng. Hoa nở chừng hai tuần thì mãn khai nhưng cánh hoa vẫn còn trắng muốt. Ngoài ra, ở chùa Giác Viên (TP.HCM), Sùng Hưng tự (Phú Quốc) và núi Điện Bà (Tây Ninh) cũng có những cây bạch mai tồn tại như một chứng tích của lịch sử. Vườn ngự uyển ở Huế xưa kia cũng có loại mai này, có lẽ được trồng để lấy hoa ướp trà. Để diễn tả sự quý hiếm, ông bà xưa có câu "Uống rượu Bạch Mai, ngậm ngọc phun châu" là để nói về loài mai này. Cây bạch mai hoàn toàn không có bà con họ hàng gì với hoàng mai (thuộc họ Ochnaceae) ở phương Nam và mai mơ (thuộc họ Rosaceae) ở miền Bắc. Các bậc tiền bối cho biết mai bạch mù u thuộc hàng kiều mộc, sắc tinh (ngọc cốt băng cơ), thích nơi u tịch, trồng trên 10 năm mới trổ hoa. Trong Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức đã ghi: “Mai mù u tự linh khí mà sinh ra, không thể đem đi trồng nơi khác được”. Chính vì đặc tính khó nhân giống cho nên cây mai mù u càng ngày càng quý hiếm. Chúng tôi thử mang từ Hà Tiên về trồng hai lần nhưng đều không thành công.
Theo Hà Tiên 24h tổng hợp



Bài viết liên quan: